Bộ phim truyền hình ăn khách nhất Trung Quốc hiện nay "Cá mực hầm mật" vẫn đang tiếp tục thu hút sự chú ý của khán giả ở Việt Nam. Những tình tiết trong phim, đồ dùng nhân vật sử dụng hay các bối cảnh đều được người ái mộ lùng sục. Trong tập 28 vừa chiếu, hai nhân vật chính Đồng Niên (Dương Tử đảm nhận) và Hàn Thương Ngôn (Lý Hiện thủ vai) đã có nhiều cảnh tình tứ, lãng mạn khi về thăm quê ở Tô Châu.
Đôi tình nhân cùng nhau đi bộ trên con đường lát sỏi, ngồi thuyền gỗ len lỏi qua những dòng kênh yên bình. Chàng đàn và hát cho nàng nghe "ngọt lịm tim". Cảnh quay này được thực hiện tại cổ trấn Đồng Lý, nằm ở huyện Ngô Giang, ngoại ô thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Tham khảo >>> Tour Du Lịch: Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu - Bắc Kinh (6N6Đ)
Tô Châu thuộc vùng sông nước Giang Nam xưa kia, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng nhiều thị trấn cổ nổi tiếng với khách du lịch như Châu Trang, Tây Đường, Thất Bảo..., cách thành phố Thượng Hải không xa.
Nhưng trái ngược với sự tấp nập của Thất Bảo hay sự thương mại hóa ở Châu Trang, cổ trấn Đồng Lý vẫn giữ được những nét đơn giản, thanh bình qua hàng trăm năm. Người dân địa phương có một bộ phận làm du lịch như mở quán cà phê, nhà nghỉ homestay, bán đồ lưu niệm, giải khát, chèo thuyền thuê... Nhưng 1 số khác vẫn giữ lối sống ngày thường bình dị.
Những ngôi nhà cổ ở Đồng Lý được bảo tồn gần như nguyên vẹn, ít can thiệp đến kết cấu, đa phần chỉ gia cố lại cho vững chắc. Con đường gập ghềnh lát đá, sỏi, bên dòng kênh xanh lững lờ trôi. Đâu đó, bạn sẽ bắt gặp những người lớn tuổi ngồi chơi cờ, trẻ em đi học về hay những chàng họa sĩ, nhiếp ảnh gia lang thang tìm cảm xúc.
Bên cạnh các trà lầu thuần túy truyền thống, Đồng Lý cũng có những góc rất Tây như quán cà phê Illy treo đèn lồng đỏ, dưới mái ngói thâm nâu. Du khách có thể trải nghiệm một ly cappuccino bên khung cửa, ngắm nhìn từng chiếc thuyền gỗ khua mái chèo.
Được xây dựng vào thời nhà Tống, Đồng Lý có diện tích 62 km2, bao quanh là 15 con kênh đào và nối tiếp nhau bởi 49 cây cầu với nhiều hình thù khác nhau. 2 bên bờ kênh là những quán cà phê, nhà hàng truyền thống luôn thắp đèn sáng trưng vào buổi tối. Du khách tới đây cũng có thể thuê quần áo truyền thống như các bộ Hán phục, trang phục cung đình để sống ảo.
Không chỉ có kênh rạch, Đồng Lý còn có Thoái Tư Viên, một vườn cổ điển Tô Châu được xây dựng từ 1885-1887. Đây là 1 phần của Tô Châu Viêm Lâm - di sản thế giới được UNESCO công nhận. Dù nhìn từ góc độ nào, thị trấn cũng mỹ lệ, thoát tục với sự kết hợp hài hòa của sông nước và kiến trúc đá cổ. Thậm chí, nơi này còn từng được ca tụng là "Venice của phương Đông".
Đồng Lý vẫn giữ được nhiều ngôi nhà xây dựng từ thời Minh và Thanh với lịch sử hơn 600 năm.
Thông thường, du khách sẽ mua vé tham quan cổ trấn có giá trị 24 giờ. Bạn không có nhiều điểm đến để khám phá nhưng nếu là một tâm hồn yêu nhiếp ảnh, thích lang thang, đôi chân sẽ lạc bước vào những con ngõ vắng vẻ lúc nào chẳng hay.
Một góc Đồng Lý nhìn từ trên cao với những mái ngói rêu phong, tường trắng nhuốm màu thời gian. Ngay cả khi xây mới, các chủ nhà cũng phải tuân thủ theo đúng kiến trúc đã thống nhất để không ảnh hưởng đến cảnh quan chung.
Có khá nhiều nhà nghỉ bình dân cho du khách dừng chân. Đa phần đều là các căn nhà cổ. Bạn có thể dùng bữa với món ăn truyền thống, ngắm cổ trấn lên đèn để sáng hôm sau thức giấc, đón bình minh.
Ánh hoàng hôn trên một vọng gác bằng gỗ còn sót lại ở Đồng Lý. Chắc hẳn rằng cũng bởi khung cảnh lãng mạn, thần tiên mà Đồng Lý chính là nơi 'chôn rau cắt rốn' của khá nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc từ cổ chí kim.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét